Quậy chốn công đường: Xử lý hình sự!

Xử lý nghiêm những hành vi quậy phá, gây rối nơi công đường cũng là cách để bảo vệ thẩm phán, thư ký; nâng cao hình ảnh uy nghiêm của hệ thống tư pháp.
Vụ việc gia đình bị cáo Hồ Duy Trúc quậy phá, chửi thẩm phán, rượt đánh luật sư, ném đá vào phòng làm việc của TAND TP HCM sau khi Trúc bị tuyên tử hình vào chiều 25-12 khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Đây không phải lần đầu TAND TP HCM nói riêng và chốn pháp đình trong nước nói chung bị mang tiếng bởi hành vi quậy phá của người nhà bị cáo hoặc chính các bị cáo.

Người nhà bị cáo Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng cướp chặt tay người đi đường để cướp xe SH tại TP HCM -“quậy” ở TAND TP HCM hôm 25-12.

Đạp bàn ghế, đem hung khí vào tòa
Ngày 18-11-2013, TAND TP HCM xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa ông H.C và bà V.T.T (ngụ quận Tân Bình). Do không được chấp nhận yêu cầu xin ly hôn, sau khi chủ tọa vừa đọc xong bản án, ông C. nhảy bổ lên giật lấy bản ghi chức danh của HĐXX đập vỡ, đạp đổ bàn ghế trong phòng xử. Lực lượng công an phường Bến Nghé, quận 1 đã phối hợp với bảo vệ tòa án đưa ông C. về trụ sở lấy lời khai. Sau đó, ông C. bị xử phạt hành chính 280.000 đồng.
Trước đó, sau khi bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (SN 1969, ngụ tỉnh Quảng Bình) bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác đơn kháng cáo, tuyên y án 16 năm tù tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, 4 người nhà bị cáo Tuyên đã chửi bới thẩm phán, la hét, nằm vạ tại hành lang tòa, đập bàn, đập cửa phòng xét xử gây náo loạn hơn 30 phút. Lực lượng bảo vệ tòa án phải “cầu cứu” Cảnh sát 113 và Công an phường Bến Thành (quận 1).
Một năm trước, sau một phiên tòa dân sự, do bất đồng quan điểm, 2 cô gái trong một gia đình đã dùng nón bảo hiểm đánh nhau. Sự việc được bảo vệ tòa can ngăn nhưng sau đó nhiều người lạ mặt mang theo hung khí từ bên ngoài vào khuôn viên tòa án để giải quyết mâu thuẫn. Rất may, Công an phường Bến Thành đã kịp thời có mặt, đưa 2 nhóm về phường xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Xử mạnh tay để răn đe
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), trong hệ thống nhà nước và pháp luật, tòa án là nơi tôn nghiêm, là trung tâm của hệ thống tư pháp, thực hiện và nhân danh quyền lực nhà nước để bảo đảm sự công bằng của xã hội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Hành vi chửi bới thẩm phán, rượt đánh luật sư, đập phá bàn ghế, ném đá vào phòng làm việc của tòa án… là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm đến uy tín và tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự manh động và xem thường pháp luật của những kẻ gây rối.
“Không phủ nhận tình trạng lúc này, lúc khác, người này người khác có biểu hiện thiếu công bằng trong việc giải quyết tranh chấp, tuyên án nhưng không thể vì lý do đó mà “vơ đũa cả nắm”, quậy phá, gây rối nơi công đường. Bản án tòa tuyên nặng hay bất hợp lý, bị cáo, đương sự... có quyền kháng cáo để xin cấp phúc thẩm xem xét lại. Trong mọi trường hợp, hành động quậy phá công đường đều phải được xử lý thật nghiêm, cần thiết phải khởi tố hình sự theo điều 245 Bộ Luật Hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” để răn đe. Tôi mong lãnh đạo TAND TP HCM nói riêng và ngành tòa án nói chung có thái độ quyết liệt hơn đối với những trường hợp như vậy. Đây cũng là cách để bảo vệ thẩm phán, thư ký, đồng thời nâng cao hình ảnh uy nghiêm của hệ thống tư pháp” - luật sư Đức nhấn mạnh.

Nguồn: 24h
Share on Google Plus

About An Thuận Phước

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment